Loạt phim diễm tình Quỳnh Dao vang bóng một thời

Loạt phim diễm tình Quỳnh Dao vang bóng một thời

Các phim truyền hình chuyển thể tiểu thuyết Quỳnh Dao như "Xóm vắng", "Hải âu phi xứ" lay động khán giả nhiều thế hệ.

Nhà văn Quỳnh Dao qua đời hôm 4/12, ở tuổi 86, tác giả được mệnh danh bà hoàng dòng tiểu thuyết diễm tình Trung Quốc - thể loại truyện lãng mạn, bay bổng về tình yêu. Bà sáng tác hơn 60 bộ truyện, hầu hết trong số đó được chuyển thể thành phim. Từ thập niên 1960 đến nay, khoảng 80 tác phẩm phim ảnh dựa theo truyện Quỳnh Dao được phát hành, trong đó, nhiều tác phẩm truyền hình gây tiếng vang tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Dòng sông ly biệt (1986)

Phim Dòng sông ly biệt 1986  Phim Dòng sông ly biệt 1986

Nhạc phim "Dòng sông ly biệt" do Quỳnh Dao viết lời. Video: Bilibili

Tác phẩm do Lưu Lập Lập đạo diễn, chuyển thể tiểu thuyết Yên vũ mông mông, xoay quanh cuộc đời hai cô gái cùng cha khác mẹ Lục Y Bình (Lưu Tuyết Hoa) và Lục Như Bình (Triệu Vĩnh Hinh). Để trả thù người cha, Y Bình chủ động tiếp cận Hà Thư Hoàn (Tần Hán) - người mà Như Bình yêu thầm. Nhưng khi hẹn hò, Y Bình cảm động vì sự chân thành của chàng trai, đem lòng yêu Thư Hoàn.

Tình cờ, Thư Hoàn biết được suy nghĩ báo thù của Y Bình, hiểu lầm tình cảm của bạn gái, chuyện tình trải qua nhiều trắc trở, biến cố thời cuộc. Tác phẩm gây sốt khi phát sóng, giúp Lưu Tuyết Hoa đoạt các danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc đồng thời dẫn đầu danh sách Diễn viên được yêu thích nhất tại Đài Loan năm 1986.

Xóm vắng (1987)

Nhạc phim Xóm vắng - Quỳnh Dao  Nhạc phim Xóm vắng - Quỳnh Dao

Bài "Chi bằng trở về", nhạc phim "Xóm vắng", do Quỳnh Dao viết lời. Video: Bilibili

Dài 40 tập, phim dựa theo tiểu thuyết Đình viện thâm thâm, do Lưu Lập Lập đạo diễn, Quỳnh Dao đồng biên kịch. Dàn diễn viên gồm Tần Hán, Lưu Tuyết Hoa, Triệu Vĩnh Hinh, Lâm Tại Bồi. Tác phẩm xoay quanh chuyện tình éo le, đầy nước mắt của Chương Hàm Yên (Lưu Tuyết Hoa) và Bách Bái Văn (Tần Hán), khi Hàm Yên là cái gai trong mắt mẹ chồng, Bái Văn nảy sinh nghi ngờ người vợ thật thà. Hàm Yên bỏ sang Mỹ vì hàm oan.

Sau gần 40 năm ra mắt, trên các diễn đàn phim, nhiều khán giả cho biết nhớ như in cảnh nhiều người trong xóm tụ tập tại nhà có tivi, vừa xem vừa sụt sùi vì chuyện tình của nhân vật chính.

Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa - cặp tài tử, giai nhân lấy nước mắt nhiều khán giả qua các phim chuyển thể truyện Quỳnh Dao. Ảnh: UDN

Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa - cặp tài tử, giai nhân lấy nước mắt nhiều khán giả qua các phim chuyển thể truyện Quỳnh Dao. Ảnh: UDN

Bên dòng nước (1988)

Sau thành công của Xóm vắng, Quỳnh Dao tiếp tục hợp tác đạo diễn Lưu Lập Lập và bộ đôi Tần Hán - Lưu Tuyết Hoa, thực hiện phim khác, dài 40 tập. Nhà văn trực tiếp biên kịch còn chồng bà, ông Bình Hâm Đào, làm nhà sản xuất.

Lưu Tuyết Hoa và Tần Hán trong Bên dòng nước. Ảnh: Douban

Lưu Tuyết Hoa và Tần Hán trong "Bên dòng nước". Ảnh: Douban

Nhân vật chính - Đỗ Tiểu Song (Lưu Tuyết Hoa đóng) là cô gái mồ côi kiên cường, được người quen là Chu Tự Canh cưu mang, từ đó thân thiết với Chu Thi Nghiêu (Tần Hán), con của Chu Tự Canh. Thi Nghiêu yêu cô gái từ cái nhìn đầu tiên nhưng không thể ngỏ lời, âm thầm chăm sóc Tiểu Song.

Lớn lên, Tiểu Song kết hôn với nhà văn trẻ Lư Hữu Văn, cuộc sống bi thảm do chồng ham mê cờ bạc. Đỗ Tiểu Song ly hôn, sau đó chuyên tâm sự nghiệp, gặt hái thành công. Nhưng khi gặp lại chồng cũ vừa bệnh tật vừa nghèo khổ, nàng chọn ở bên Lư Hữu Văn, còn Thi Nghiêu vẫn lẻ bóng, âm thầm chờ đợi Tiểu Song bên dòng nước.

Hải âu phi xứ (1989)

Cảnh phim Hải âu phi xứ. Ảnh: Douban

Cảnh phim "Hải âu phi xứ". Ảnh: Douban

Sau Bên dòng nước, Lưu Tuyết Hoa và Tần Hán tiếp tục khuynh đảo màn ảnh nhỏ với phim chuyển thể hai tiểu thuyết Hải âu phi xứ và Mùa thu lá bay của Quỳnh Dao. Nhà văn và êkíp thay đổi cách kể chuyện, sản xuất phim, làm tác phẩm mang hơi thở hiện đại.

Lưu Tuyết Hoa đóng hai vai Dương Vũ Thường và Đường Tiểu Mi. Vũ Thường là tiểu thư cành vàng lá ngọc, qua đời đột ngột khiến người yêu Mộ Hòe (Tần Hán) đau đớn, trầm cảm. Một ngày, Mộ Hòe gặp Tiểu Mi - cô gái ngoại hình giống hệt Vũ Thường.

Với loạt phim Quỳnh Dao, Lưu Tuyết Hoa từng được mệnh danh Nữ diễn viên khóc giỏi nhất trên phim châu Á, do đóng vô số cảnh rơi nước mắt, tạo được đồng cảm với khán giả.

Một thoáng mộng mơ (1995)

Tạo hình Tử Lăng của Trần Đức Dung.

Tạo hình Tử Lăng của Trần Đức Dung.

Thập niên 1990,Go 88 nét Quỳnh Dao ưu ái Trần Đức Dung, chọn cô đóng chính loạt phim Thủy vân gian, Mai hoa tam lộng. Đức Dung được mệnh danh "Ngọc nữ" nhờ vẻ đẹp trong trẻo, dịu dàng. Ở Một thoáng mộng mơ, cô đóng Tử Lăng, con gái xinh đẹp nhà họ Uông, có chị là Lục Bình (Tiêu Tường đóng). Khác với người chị vừa học giỏi vừa đa tài, Tử Lăng mơ mộng và luôn khao khát tự do. Hai chị em đều yêu Sở Liêm (Lâm Thụy Dương) - chàng trai thanh mai trúc mã với họ.

Hoàn Châu cách cách

Dàn sao Hoàn Châu cách cách. Ảnh: Sohu

Dàn sao "Hoàn Châu cách cách". Ảnh: Sohu

Cuối thập niên 1990, đầu 2000, Quỳnh Dao thực hiện ba phần phim Hoàn Châu cách cách, trong đó, hai phần đầu gây sốt tại châu Á, tạo bệ phóng cho Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Phạm Băng Băng. Phim lấy bối cảnh thời Càn Long, hai công chúa Tiểu Yến Tử (Triệu Vy) và Hạ Tử Vy (Lâm Tâm Như) cùng giúp nhau vượt hoạn nạn, đấu tranh vì tình yêu.

Triệu Vy hát nhạc phim "Hoàn Châu cách cách"  Triệu Vy hát nhạc phim "Hoàn Châu cách cách"

Triệu Vy hát nhạc phim "Hoàn Châu cách cách". Video: Youku

Theo Sina, khác với loạt tác phẩm giai đoạn trước của Quỳnh Dao, Hoàn Châu cách cách tươi mới và hài hước, ít nước mắt. Tác phẩm cho thấy sự đa dạng trong thể loại phim của nhà văn, từ tình yêu, tâm lý xã hội đến phim cổ trang, dã sử.

Chỉ riêng phim truyền hình này, Quỳnh Dao thu về hơn 500 triệu nhân dân tệ (68,7 triệu USD) bản quyền chuyển thể, phát sóng. Bản quyền tất cả phim chuyển thể sách của bà vượt một tỷ nhân dân tệ (137 triệu USD).

Trời xanh đổ lệ (1998)

Tưởng Cần Cần (trái) và Chu Nhân.

Tưởng Cần Cần (trái) và Chu Nhân.

Phim còn có tên Nỗi lòng thấu trời xanh, xoay quanh ân oán giữa hai dòng họ Triển và Tiêu. Do bị nhà Triển hãm hại, chị em Tiêu Vũ Phụng (Tưởng Cần Cần đóng) và Tiêu Vũ Quyên (Chu Nhân) làm ca nữ để kiếm tiền chăm lo gia đình. Triển Vân Phi cảm mến Vũ Phụng, lấy tên giả Tô Mộ Bạch để giúp đỡ cô, khi biết thân thế của Mộ Bạch, Vũ Phụng giằng xé một bên là tình yêu một bên là thù hận gia tộc.

Tưởng Cần Cần trong Trời xanh đổ lệ  Tưởng Cần Cần trong Trời xanh đổ lệ

Tưởng Cần Cần trong "Trời xanh đổ lệ". Video: Bilibili

Tác phẩm còn có sự tham gia của Tiêu Ân Tuấn, Lưu Đức Khải, Độ Tông Hoa, Đặng Tiệp, gây tiếng vang nhờ nội dung và diễn xuất của dàn sao. Tưởng Cần Cần được Quỳnh Dao ưu ái đặt nghệ danh Thủy Linh vì cô có ngoại hình "trong như nước, đẹp như mộng".

Tân dòng sông ly biệt (2001)

Dàn sao Tân dòng sông ly biệt. Ảnh: Sina

Dàn sao "Tân dòng sông ly biệt". Ảnh: Sina

Một số truyện Quỳnh Dao nhiều lần được chuyển thể thành phim, hai bản chuyển thể Yên vũ mông mông đều hút khán giả, bản năm 2001 nhằm tiếp cận thế hệ mới, kịch bản giảm yếu tố bi thảm, ít nước mắt hơn.

Quỳnh Dao sáng tác loạt ca khúc cho nhân vật Y Bình (Triệu Vy đóng) thể hiện, được yêu thích tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, giúp vị trí Triệu Vy trong làng phim và nhạc lên tầm cao mới.

Triệu Vy hát 'Nhớ anh'  Triệu Vy hát 'Nhớ anh'

Triệu Vy hát "Nhớ anh". Video: Bilibili

Không phải hoa chẳng phải sương (2013)

Ở tác phẩm kỷ niệm 50 năm sáng tác văn chương, Quỳnh Dao viết kịch bản và chọn các diễn viên chính Lý Thạnh, Trương Duệ, Dương Tử, Đặng Luân, Lâm Tâm Như, tài tử Hàn Ju Jin Mo.

Dàn sao Không phải hoa chẳng phải sương. Ảnh: Sina

Dàn sao "Không phải hoa chẳng phải sương". Ảnh: Sina

"Không phải hoa, chẳng phải sương, nửa đêm đến, sáng mai đi" là câu hát đồng dao mà bốn trẻ mồ côi Angel, Diệp Phàm, Hải Hoa, Mộng Hoa thường ngân nga. Họ gặp nhau và kết nghĩa chị em tại trại trẻ mồ côi Hoa Tâm viện. Sau những ngày ngắn ngủi ở chung, bốn chị em đều được nhận nuôi. Phim xây dựng cuộc đời các nhân vật - như những ngọn cây không nguồn cội - đấu tranh với thăng trầm, biến động cảm xúc, những khó khăn trong công việc, tình yêu.

Như Anh